Tuy nhiên, thời gian qua tỉnh Cà Mau đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản như: cháy ở chợ Tân Lộc, huyện Thới Bình; cháy chợ ở huyện Phú Tân; cháy nhà kho ở Phường 6… Ngoài những tai nạn mang tính khách quan, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do thiếu ý thức cảnh giác của con người trong công tác phòng chống cháy nổ (PCCN). Trước thực trạng đó, Thường trực HĐND tỉnh Cà Mau đã tổ chức đợt khảo sát tình hình phòng, chống cháy nổ tại một số điểm chợ trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao ý thức về PCCN.

Qua khảo sát cho thấy, công tác PCCN được các cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nhân dân nâng cao ý thức PCCN. Qua trao đổi với một số hộ dân tại các điểm chợ mà đoàn đến khảo sát, nhìn chung hầu hết các hộ kinh doanh và những hộ dân sống xung quanh khu vực chợ nhận thức khá rõ về hiểm họa của cháy, nổ nên đã tự giác trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại chỗ; chấp hành các quy định trong việc sắp xếp nơi mua bán khá trật tự, thông thoáng. UBND cấp xã và Ban Quản lý các chợ đã chủ động xây dựng phương án PCCN, trang bị máy bơm nước, bình chữa cháy tại chỗ… thường xuyên phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các hộ kinh doanh diễn tập các tình huống khi có cháy nổ xảy ra.


Nhiều hộ tự trang bị bình chữa cháy tại chỗ

Một số nơi đoàn đến khảo sát cho thấy: Việc trang bị, mua sắm dụng cụ chữa cháy tại một số chợ chưa được quan tâm đúng mức, chưa đảm bảo theo yêu cầu; nhiều máy bơm đã cũ kỹ, lạc hậu, công suất nhỏ, không đáp ứng yêu cầu khi có sự cố xảy ra; việc bảo quản máy chưa tốt, thiếu kiểm tra, vận hành thường xuyên; Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân vẫn còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong PCCN, mặc dù đã có nhiều bài học từ những vụ cháy nổ xảy ra. Vẫn còn một số hộ chưa trang bị bình chữa cháy tại chỗ hoặc có trang bị nhưng không biết cách sử dụng, bảo quản hoặc để bình chữa cháy không đúng nơi quy định. Khi kiểm tra và hỏi về cách sử dụng bình chữa cháy tại một số hộ kinh doanh, người bán (được chủ thuê) trả lời không biết hoặc lúng túng trong việc sử dụng, vì thực tế chỉ có chủ hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, nhưng họ “quên” hướng dẫn lại cho những người trực tiếp bán tại chợ.

Một số hộ kinh doanh tự ý sửa chữa, cơi nới nâng cấp quầy sạp mua bán, lấn chiếm lối đi chung để trưng bày hàng hóa gây khó khăn trong công tác quản lý, cũng như công tác chữa cháy khi có cháy nổ xảy ra. Việc che chắn tạm bợ bằng lều vải, bạt nylon quá nhiều của một số hộ kinh doanh trong và ngoài khu vực chợ vừa làm mất vẻ mỹ quan, vừa làm ảnh hưởng đến công tác PCCN. Tình trạng hộ kinh doanh tự câu mắc điện không đúng kỹ thuật; nấu ăn, thắp hương thờ cúng tại nơi mua bán tuy không phổ biến nhưng vẫn còn xảy ra... đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.


Lấn chiếm lối đi để trưng bày hàng hóa sẽ làm ảnh hưởng
đến công tác chữa cháy khi có sự cố xảy ra


Để công tác phòng chống cháy nổ đạt hiệu quả tốt, để người dân đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vui tươi, an lành, Thường trực HĐND đã đề nghị các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các Ban Quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân nâng cao ý thức, thấy được trách nhiệm và lợi ích của mình trong công tác PCCN; thường xuyên kiểm tra và xử lý việc câu mắc điện không đảm bảo an toàn của một số hộ kinh doanh. Hướng dẫn các hộ kinh doanh trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp hướng dẫn cách sử dụng dụng cụ chữa cháy. Xây dựng phương án và tiến hành diễn tập phòng cháy chữa cháy; thường xuyên kiểm tra, vận hành các máy chữa cháy tại các chợ để đảm bảo công tác chữa cháy khi có sự có xảy ra… Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và ý thức phòng, chống cháy nổ của toàn xã hội.

Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, mỗi người cần đề cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng chống cháy nổ để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và của toàn xã hội.

Phạm Ngọc

Nhận xét

Bài liên quan